Thứ tư, 27/04/2022 | 18:17

Bông hoa của vùng đất Thép

Ẩn chứa bên trong người phụ nữ mảnh mai và dịu dàng ấy là một sức mạnh thật đáng ngạc nhiên. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chị cũng luôn đặt ra mục tiêu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Được biết về chị qua những dịp Tuyên dương Lao động giỏi, Lao động sáng tạo của Công đoàn Công ty Gang Thép Thái Nguyên, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên và Tổng Công ty Thép Việt Nam đã lâu, nhưng đến khi được chị Nguyễn Thị Doan - Trưởng Ban Nữ công Công ty giữ lại, tôi mới có nhiều thời gian để trò chuyện với chị.

Năm 1988, tốt nghiệp Trường Trung cấp nghề cơ điện (Công ty Gang thép Thái Nguyên), Vũ Thị Nga được phân công về Nhà máy Cốc Hoá – đây chính là “mảnh đất” tốt để cô thợ trẻ này say mê, tìm tòi, sáng tạo, vận dụng vào công việc được giao. Thời gian gần 22 năm đã đủ để nói lên những thành quả lao động của một con người. Với chị, ngần ấy thời gian gắn bó với nghề, với nhà máy, chị đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm cho mình để rồi hôm nay ở cương vị là Quản đốc Phân xưởng những kinh nghiệm quý báu đó đã giúp chị vượt qua thử thách.

Trưởng thành từ người công nhân của Nhà máy Cốc Hoá, lại được sinh ra trong gia đình mà bố, mẹ, anh em đều gắn bó với Công ty Gang thép Thái Nguyên. Chính cái nôi truyền thống đó đã hun đúc cho chị nghị lực mạnh mẽ và vươn lên, miệt mài cần mẫn trong từng công việc. Cùng với lòng yêu nghề, Nga đã sớm trở thành một trong những nữ công nhân có tay nghề cao của Nhà máy. Mặc dù, phân xưởng chị làm việc chuyên về sửa chữa, khắc phục các sự cố về cơ, điện, phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất chính của Nhà máy, nghe thì có vẻ là nhàn, nhưng bắt tay vào làm mới thấy hết được sự phức tạp và tầm quan trọng của nó. Công việc này đòi hỏi người thợ phải có trình độ kỹ thuật về cơ, điện, bởi, nếu chỉ một sơ xuất nhỏ là có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của cả dây chuyền, gây thiệt hại không nhỏ cho Nhà máy. Vì vậy, ở môi trường làm việc này người công nhân ngoài đức tính cẩn thận, tỉ mỉ và sáng tạo cần phải có trình độ chuyên môn khá vững.

Ở Phân xưởng khi đó, Nga là cô thợ trẻ hay làm, chịu khó học hỏi, lại rất cẩn thận, khéo tay và có trách nhiệm với công việc. Nga không ngần ngại đề xuất với lãnh đạo Nhà máy nhiều ý tưởng để nâng cao chất lượng cũng như rút ngắn thời gian sửa chữa lắp đặt thiết bị... Trình độ tay nghề và tác phong trong công việc của Nga đã chiếm được lòng tin của đồng nghiệp cũng như lãnh đạo Nhà máy, năm 1995, chị được bầu làm Tổ trưởng Tổ điện 1 và chị đã dẫn dắt Tổ liên tục đạt danh hiệu "Tổ tiên tiến xuất sắc” cấp Nhà máy, cấp Công ty. Hàng năm, chị đều đề xuất nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu có giá trị làm lợi hàng chục triệu đồng. Mới đây, chị đã thực hiện thành công đề tài “Lắp đặt giàn phun nước phenol dập tắt cốc trong giờ kiểm tra” thời gian thực hiện trong 2 giờ, làm lợi hàng trăm triệu đồng cho Nhà máy.

Không tự bằng lòng với chính mình, bởi chị luôn ý thức rằng cuộc sống là chuỗi những ngày phải học hỏi lao động sáng tạo. Con người không được phép “ngủ quên” bên những thành quả đạt được. Và chị nghĩ rằng, tri thức nhân loại là vô tận, “Học, học nữa, học mãi” là động lực để con người vươn lên. Thấm nhuần chân lý đó, từ một người thợ, năm 1996, chị thi vào Khoa Tự động hoá của Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên. Ngày tháng vừa đi học, đi làm và nuôi con nhỏ không nói thì ai cũng thấu hiểu được nỗi vất vả cực nhọc của người phụ nữ. Hoàn cảnh của chị khi đó đã khó khăn về vật chất, tinh thần lại không được bù đắp.

Năm 2001, chị chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tiếp đến, năm 2003, chị được đề bạt làm Phó quản đốc Phân xưởng cơ Điện. Khi nhận nhiệm vụ mới, chị đã rất lo lắng, bởi từ trước đến nay ở phân xưởng này chưa có nữ làm nhiệm vụ quản lý, nhất là về mảng kỹ thuật điện, tự động hoá, mà chỉ là do các “X-men” đảm nhiệm. Là đảng viên trẻ đầy nhiệt huyết, chị không cho phép mình lùi bước trước mọi khó khăn. Bằng chứng, chưa đầy 3 năm sau, năm 2006, chị được đề bạt làm Quản đốc Phân xưởng.

Đây chính là thời gian mà chị đối mặt với nhiều thử thách, cùng một lúc vừa đảm nhiệm trọng trách của người quản lý điều hành công việc chung của một phân xưởng, phải đảm bảo tiến độ nhiều hạng mục công việc quan trọng của Nhà máy, nặng nề nhất là chuẩn bị mặt bằng để khởi công Dự án giai đoạn II của Công ty ngay trên mặt bằng phân xưởng mình. Ngày đêm bám sát công trình, chị cùng các đồng nghiệp di dời toàn bộ thiết bị của Phân xưởng đến địa điểm mới theo đúng tiến độ.

Với cương vị là Quản đốc, chị thực hiện đúng nguyên tắc tập trung thống nhất, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí cao của một tập thể. Từ khi đảm nhiệm vai trò người đầu tầu, Phân xưởng của chị 3 năm liền là đơn vị tiêu biểu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Nhà máy; Chị bộ đảng trong sạch vững mạnh.

Nói về chị, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Nhà máy Trần Đức Thành nhận xét, Chị Nga là người có tinh thần trách nhiệm, tay nghề vững, gương mẫu, tận tụy trong công việc; tính tình hòa nhã, từ tốn, được đồng nghiệp quý mến. Điều đáng trân trọng hơn là trong quá trình làm việc, chị đã không giữ "bí quyết" thành công riêng cho mình, mà luôn giúp đỡ cho anh em đồng nghiệp cùng tiến bộ. Ngoài cương vị là Quản đốc, chị là Bí thư chi bộ Phân xưởng cơ điện, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình, Trưởng Ban nữ công của Nhà máy.... Dù ở cương vị nào, chị cũng luôn hoàn thành nhiệm vụ, được lãnh đạo tin tưởng, đồng nghiệp quý mến.

Những nỗ lực của chị đã được ghi nhận, nhiều năm liền chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2007, 2008 niềm vui đến với chị được nhân lên khi Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên công nhận chị là công nhân xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” và chị vinh dự được TLĐ Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động Sáng tạo và nhiều phần thưởng khác của Tổng công ty Thép Việt Nam, Công đoàn Công Thương Việt Nam... Nhưng có một phần thưởng tinh thần to lớn mà chị vinh dự xứng đáng được nhận đó là niềm tin của lãnh đạo, đồng nghiệp luôn dành cho chị trong suốt thời gian qua!

Bài đã đăng