Thứ sáu, 29/04/2022 | 10:17

Chuyện kể về “Đội Tự vệ thép”

Chỉ 2 năm sau khi mẻ gang đầu tiên ra lò, Khu Gang thép Thái Nguyên trở thành trọng điểm đánh phá của các bước leo thang. Máu của những chiến sĩ Bảo vệ Gang thép Thái Nguyên và anh, chị em công nhân đã đổ để cho những mẻ gang vẫn tiếp tục ra lò.

tu ve thep

Đội tự vệ xưởng Luyện cốc - Công ty Gang thép Thái Nguyên chiến đấu bảo vệ Khu Gang thép. Ảnh: Tư liệu

 

Khuôn viên đồi Còi nằm ngay sau Nhà văn hóa Công nhân Gang thép là chứng tích còn sót lại của những ngày tháng oanh liệt bảo vệ Khu Gang thép Thái Nguyên. Thời gian đã phủ màu xanh lên những căn hầm, đường hào, công sự. Trong những ngày chiến đấu bảo vệ Khu Gang thép Thái Nguyên, đồi Còi – phường Hương Sơn, Thành phố Thái Nguyên chính là địa điểm quan sát, chỉ huy và đặt những khẩu đội pháo bắn trả máy bay địch khi chúng vào trong khu vực sản xuất của đơn vị.

Ông Nhâm Hồng Long - Nguyên Tổng Giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên nhớ lại: Trong cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc, năm 1965 toàn khu Gang thép ngừng xây dựng. Lúc đó, chỉ còn lại Đội tự vệ và số ít công nhân nhận nhiệm vụ vừa tranh thủ sản xuất, vừa cất giấu, di chuyển, bảo vệ tài sản của nhà máy. Với khẩu hiệu “bám máy, bám lò” Đội tự vệ Gang thép Thái Nguyên đã chiến đấu hết sức anh dũng. Chỉ đến lúc Lò cao, lò Cốc bị phá hoại thì hoạt động sản xuất mới bị thu hẹp để sản xuất nhỏ, sơ tán máy móc, thiết bị ra ngoài. Khi địch ngừng ném bom thì anh, chị em công nhân nhà máy lại động viên nhau tự sửa chữa khôi phục thiết bị để tiếp tục sản xuất.

nham hong long
Ông Nhâm Hồng Long - Nguyên Tổng Giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên

 

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, lịch sử hào hùng của ngày ấy chỉ còn lại trong những trang sử, hiện vật và trong ký ức của những công nhân, người lính bảo vệ đội “ Tự vệ thép” anh hùng. Ngay từ khi giặc Mỹ leo thang phá hoại, để đảm bảo sản xuất, bảo vệ thiết bị, tài sản, Công ty Gang thép Thái Nguyên đã thành lập lực lượng tự vệ ở tất cả các cơ quan, đơn vị ( đơn vị lớn ở xa thì biên chế thành trung đoàn, còn đơn vị nhỏ hơn thì biên chế cấp tiểu đoàn) dưới sự chỉ huy thống nhất của Ban chỉ huy Quân sự Công ty. Các đơn vị tự vệ được trang bị súng phòng không, sau này còn có pháo cao xạ 37mm, góp phần cùng Bộ đội chính quy Trung đoàn 256 – Quân khu Việt Bắc giăng lưới lửa khi máy bay địch đánh phá Thái Nguyên, tấn công Nhà máy.

trang phuc phi cong
Trang phục của phi công Mỹ bị bắt ngày 29/3/1966 - Đây là chiếc máy bay thứ 1.000 của không quân Hoa Kỳ bị ta bắn rơi, phi công bị lực lượng Tự vệ Gang thép bắt được

 

Từ năm 1966 đến cuối năm 1972, giặc Mỹ đã huy động hơn 1.700 lần trong đó 42 lần có máy bay B52 với 115 trận đánh phá, thả gần 3.000 quả bom các loại xuống Khu Gang thép Thái Nguyên, nhưng chúng không thể đạt được mục đích là phá hoại tài sản của ta, làm ngưng trệ sản xuất. Công nhân, đội “tự vệ thép” với khẩu hiệu “ Bám máy, bám lò” sẵn sàng “ đổi máu lấy thép” đã di chuyển tài sản ra khỏi mục tiêu, vừa sản xuất, vừa anh dũng chiến đấu. Những mẻ gang vẫn ra lò đi khắp miền tổ quốc. Trên bầu trời Gang thép đã có 59 máy bay bị bắn hạ, 5 giặc lái Mỹ bị tự vệ bắt sống tại chỗ.

Để thực hiện bài viết này, ngoài việc gặp gỡ nhân chứng chúng tôi còn tìm được khá nhiều tài liệu viết về đội “ Tự vệ thép”. Đáng chú ý trong cuốn Đội cận vệ thép được nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành năm 1991 có ghi lại lời kể của Trưởng phòng Bảo vệ Gang thép Thái Nguyên giai đoạn chống Mỹ - ông Lê Đức Lậc: “ Khi lực lượng sản xuất ra khỏi địa bàn tôi hóa ra to. Lực lượng bảo vệ của tôi lên tới ba trăm lại còn tự vệ phối hợp nữa. Thế là tôi nắm trong tay cả tiểu đoàn. Bảy cửa ra vào, ba mục tiêu trọng điểm đều có bố phòng chắc chắn. Bảo vệ nhà máy, cứu người sập hầm, cứu hỏa, giữ gì trật tự an ninh… Đấy là nhiệm vụ của chúng tôi”

Trở lại thời bình, lực lượng Bảo vệ - tự vệ công ty mang trong mình lòng tự hào, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công, vừa giữ gìn an ninh – trật tự đảm bảo sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện đề ra.

(Nguồn: Bá Hoàng. Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên,

ngày 20/12/2012)

Bài đã đăng