Thứ ba, 03/05/2022 | 17:59

Nhớ về công trình đánh dấu hợp nhất Hệ thống điện Quốc gia

Với đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, lần đầu tiên, hợp nhất được Hệ thống điện Quốc gia từ 3 miền, mà trước đây vận hành độc lập với nhau. Nhờ đó, tăng cường được sự hỗ trợ qua lại thế mạnh của hệ thống điện giữa các miền, tăng tính ổn định và độ tin cậy chung của toàn hệ thống.

vu ngoc hai

Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công Thương) Vũ Ngọc Hải

Cuối năm 1991 đầu năm 1992 là thời khắc hết sức đặc biệt với ngành điện. Ngày 12/12/1991 Tổ máy số 4 của Thủy điện Hòa Bình khởi động chạy không tải để chuẩn bị hòa vào lưới điện quốc gia, thì chỉ 3 tuần sau, ngày 1/1/1992, Bộ trưởng Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công Thương) Vũ Ngọc Hải đã ký tờ trình về chủ trương, cơ chế đầu tư Công trình Đường dây 500 kV Bắc - Nam. 

Nhưng thực ra, chuyện làm Đường dây 500 kV Bắc – Nam đã được bàn từ trước. Chỉ với việc hoàn thành 4 trên 8 tổ máy của Thủy điện Hòa Bình, miền Bắc đã thừa điện. Trong khi tổng công suất điện cả miền Trung và miền Nam hồi đó chỉ khoảng trên 1.000MW (tương đương với 4 tổ máy Thủy điện Hòa Bình), miền Nam phải cắt điện luân phiên.

Cùng với công cuộc Đổi mới, kinh tế các tỉnh phía Nam phát triển nhanh chóng, nhu cầu phụ tải tăng bình quân 14%-15%/năm, tức là mỗi năm cần bổ sung mới 100 đến 150 MW công suất nguồn. Nhưng thực tế, từ 1985, sau khi hoàn thành Thủy điện Trị An, nguồn điện hầu như không tăng thêm. Đã vậy, mỗi khi nước về các hồ Đa Nhim, Trị An muộn, thì đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh bị cắt điện đến 3-4 lần trong một tháng. Thiệt hại về kinh tế vô cùng lớn. Theo tính toán, mất điện 1 ngày đêm, TP. Hồ Chí Minh thiệt hại 45 tỷ đồng.

Bài toán được đặt ra là, nên bán điện cho Trung Quốc để mua dầu phát điện cho miền Nam hay làm đường dây tải điện từ miền Bắc vào miền Nam? Theo nguyên Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải, bán điện cho Trung Quốc hồi đó giá không cao và đến lúc nhu cầu điện trong nước mạnh lên, cần cung ứng trong nước, không lẽ lại cắt đi của họ? Hơn nữa, dùng tiền bán điện mua dầu để phát điện không có lợi, vì giá dầu diesel rất đắt. Xét về khía cạnh chính trị, những năm đó, mỗi khi miền Bắc thiếu gạo, có hàng ngàn tấn chuyển từ Nam ra Bắc, sao miền Bắc thừa điện không chuyển vô Nam?

Cuối cùng phương án làm Đường dây 500 kV Bắc - Nam được Trung ương chấp thuận. Bộ Chính trị thông qua Công trình tháng 1/1992. Đến tháng 2/1992, Chính phủ phê duyệt Luận chứng kinh tế- kỹ thuật.

Nhưng sóng gió chưa hết. Trong khi ông thuyết trình trước Quốc hội về đường dây 500kV, thì có một giáo sư Việt kiều gửi bức thư cho Trung ương nêu ra 3 vấn đề. Thứ nhất, “1/4 bước sóng”. Theo giáo sư Việt kiều, mỗi bước sóng điện từ có độ dài 6.000km, trong khi độ dài của đường dây dự định làm là 1.500km đúng bằng 1/4 bước sóng.

Sóng điện từ có hình sin, và 1/4 bước sóng đúng ngay đỉnh của hình sin. Nếu điện từ ở Hà Nội đạt mức cực tiểu, khi truyền tải vào đến TP. Hồ Chí Minh sẽ đạt cực đại;  ngược lại, nếu ở Hà Nội cực đại, vào đến TP. Hồ Chí Minh có thể bằng không. Khi ấy, không còn là 500kV mà có thể vọt lên đến 700kV hoặc 1.000kV gây cháy toàn bộ thiết bị.

Thứ hai, không có nước nào trên thế giới làm đường dây 500kV với độ dài tương tự có thể hoàn thành trong hai năm. Và thứ ba, xây dựng đường dây 500kV trong điều kiện đất nước khó khăn về tài chính, phải đi vay, trả lãi là không có hiệu quả về kinh tế.

3 vấn đề trên, lo nhất là câu chuyện “1/4 bước sóng”.  Thủ tướng Võ Văn Kiệt hỏi ông, ông trả lời đã có cách giải quyết, bằng cách ở mỗi đường cong đặt một trạm bù “gọt sóng”, qua 5 trạm như thế đến TP. Hồ Chí Minh thì bằng “0”.

Vấn đề thứ hai là tài chính đã được tính toán trước, phần lớn bằng nguồn vốn trong nước và có phương án huy động. Nhưng không phải không có lúc bí bách. Có lần Thủ tướng Võ Văn Kiệt hỏi ông: “Bộ Tài chính cấp tiền cho anh như thế nào”. Lúc đó, Bộ Tài chính đang “nợ” công trình 50 tỷ đồng. Để làm “mát mặt” Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Tế đang ngồi kế bên, ông bèn trả lời: “Chưa có công trình nào được Bộ Tài chính cấp tiền kịp thời và đầy đủ như thế”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt phấn chấn reo lên “Hoan hô Bộ Tài chính”. Ông Hải liền huých nhẹ  Bộ trưởng Hồ Tế, nói nhỏ: “Đấy, Thủ tướng khen rồi, ông trả tôi đi”. Hôm sau, 50 tỷ đồng đã chảy về tài khoản của Công trình!

Vấn đề thứ ba, hoàn thành Công trình trong 2 năm. Ông Hải bảo, tôi cũng “hú hồn” vì cái vụ này. Có lần Thủ tướng Võ Văn Kiệt hỏi, bao giờ thì miền Nam đạt tới điểm thiếu điện trầm trọng nhất? Ông bảo 2 năm nữa. Thế là con số “2 năm” chốt cứng trong đầu Thủ tướng. Ngày 5/4/1992, tại Lễ khởi công xây dựng công trình đường dây 500kV Bắc – Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố luôn 2 năm. Ông về bàn với Thứ trưởng Lê Liêm. Cả hai cùng kêu khó, nhưng khó cũng phải làm.

deo lo xo

Công nhân thi công trên đỉnh đèo Lò Xo

Rất may là “trời” không phụ lòng người. Công trình nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, nhất là nhân dân. Ông Hải tổng kết, nếu không có lực luợng của Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông, Bộ Tài chính, … rồi các địa phương cử người lao động đến công trường, làm sao làm được trong 2 năm.

Mặt khác, những công trình xây dựng cơ bản xưa đến nay khó khăn nhất vẫn là khâu giải phóng mặt bằng, riêng Công trình 500kV thì không, nhân dân hết sức ủng hộ. Khi lắp đặt đường dây qua địa phận Quảng Bình, bà con công giáo bên bờ sông Gianh kỳ công ghép hơn 100 chiếc thuyền để kéo dây sang bờ, vì sợ rớt xuống sông là hỏng dây điện.

Đi vào các vùng núi trên đại ngàn Trường Sơn, các già làng trưởng bản huy động toàn bộ bà con gùi từng cân vật liệu lên núi làm cột. Trong toàn bộ công việc giải phóng mặt bằng, khó khăn nhất là TP. Hồ Chí Minh, khi anh em báo lại, ông Hải đi gặp Bí thư lúc đó là ông Trương Tấn Sang, một tuần sau đã giải quyết xong.

Đó là về lòng dân. Còn về mặt kỹ thuật và quản lý, để hoàn thành Công trình trong 2 năm, trong khi trình Chính phủ 2 phương án (bán điện cho Trung Quốc và xây đường dây 500kV), linh tính đã mách bảo ông Hải, nhiều khả năng nghiêng về phương án xây đường dây 500 kV, nên đã chỉ đạo khảo sát kỹ thuật và lập thiết kế kỹ thuật. Ông huy động tất cả các chuyên gia trong ngành để làm công trình này và cho phép thực hiện theo phương thức khảo sát, thiết kế, nhập vật tư thiết bị và thi công thực hiện song song. Nhưng phải tuân thủ 3 nguyên tắc, thứ nhất, cái nào cần thi công trước thì thiết kế trước; thứ hai, cái thiết kế sau không được ảnh hưởng đến thiết kế trước; thứ ba, thiết kế đến đâu, đấu thầu và thi công triển khai ngay đến đấy.

Trong các cuộc giao ban, ông Hải thường nói, mặc dù phải tìm được giải pháp và quyết tâm hoàn thành trong 2 năm, nhưng làm Công trình này phải chất lượng. Để đảm bảo mục tiêu chất lượng, ông mời chuyên gia nước ngoài để có thêm kinh nghiệm; dọc đường dây 500 kV, cứ 10 km có một kỹ sư giám sát. Đồng thời, chỉ chọn nhập từ các nước có truyền thống và dẫn đầu về thiết bị. Như Nhật Bản có truyền thống làm cáp quang, thép dẹt; EU có truyền thống làm chuỗi néo, treo đường dây; Hàn Quốc có truyền thống làm cột thép, thép góc và dây dẫn; Pháp có truyền thống làm sứ, thủy tinh; Thụy Điển có truyền thống làm các loại máy cắt…

Và lúc 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994 đã đi vào biên niên sử của Điện lực Việt Nam, tại Trung tâm Điều Độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500kV, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng, nguyên Phó Ban chỉ huy công trình đường dây 500kV Bắc Nam cho biết, lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một đường dây siêu cao áp với bao khó khăn, thách thức, bao mồ hôi, máu và nước mắt, với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị. Công trình được thực hiện trong 2 năm là một kỳ tích chưa từng có, trong khi thế giới đánh giá phải làm từ 8 -10 năm. Điều đáng nói là, với thời gian thi công nhanh kỷ lục, nhưng chất lượng Công trình đảm bảo an toàn, từ khi đóng điện đến nay, chưa có cơn bão nào đánh đổ được cột điện cả.

Theo đánh giá, đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 được đưa vào vận hành tháng 5/1994 đã cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu điện của miền Nam. Sau khi đóng điện đưa vào vận hành máy biến áp 500kV tại Đà Nẵng (9/1994) và Pleiku (tháng 11/1994), thì tình hình cung cấp điện cho miền Trung đã được giải quyết căn cơ.

Về mặt kỹ thuật, với đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, lần đầu tiên, hợp nhất được hệ thống điện quốc gia từ 3 miền, mà trước đây vận hành độc lập với nhau. Nhờ đó, tăng cường được sự hỗ trợ qua lại thế mạnh của hệ thống điện giữa các miền, tăng tính ổn định và độ tin cậy chung của toàn hệ thống; và trên cơ sở này, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia được thành lập.

(Nguồn: Đô Lương. Tạp chí Công Thương Điện tử, ngày 18/11/2021)

Bài đã đăng