Chủ nhật, 01/05/2022 | 17:02

Tổng Bí thư Đỗ Mười với Nhà máy Đạm Hà Bắc

Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, nay là Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc được khởi công xây dựng từ đầu năm 1960, là con chim đầu đàn của ngành sản xuất đạm và hóa chất của cả nước. Đây là công trình nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười dành nhiều tâm huyết với hàng chục lần về thăm, làm việc trên nhiều cương vị khác nhau.

tbt do muoi

Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm và làm việc tại Nhà máy Đạm Hà Bắc, ngày 18-10-1992.  Ảnh: Tư liệu

Do hoàn cảnh chiến tranh nên sau khi hiệp định Paris được ký kết năm 1973, Chính phủ mới quyết định phục hồi và mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Ngày 10-2-1973, Phó Thủ tướng Đỗ Mười chủ trì hội nghị tại Phủ Thủ tướng bàn việc khôi phục và mở rộng nhà máy trong vòng 18 tháng.

Tiếp đó, ngày 19-8-1973, Phó Thủ tướng Đỗ Mười chủ trì cuộc họp nhà nước lần thứ 5 ngay tại công trường xây dựng Nhà máy để giải quyết những khó khăn cản trở tiến độ thi công. Đồng chí đã chỉ thị Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Bắc huy động nhân lực và tranh tre, nứa lá làm 2.900 m2 nhà kho và 1.400m2 nhà ở cho công nhân. Một tuần sau đồng chí về lại công trường gặp mặt và biểu dương tinh thần cố gắng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hoàn thành tốt công việc hỗ trợ cho công trường.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Đỗ Mười, tiến độ khôi phục và mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Ngày 12-12-1975, bao đạm đầu tiên mang nhãn hiệu “Lúa vàng” của Tổ quốc đã rời băng chuyền về kho. Và ngày 30-10-1977, đồng chí Đỗ Mười, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã cắt băng khánh thành Nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Đồng chí đã phát biểu và ghi vào sổ vàng truyền thống của Nhà máy: “… Trong ngày vui hôm nay (30-10-1977) thay mặt T.Ư Đảng, Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương thành tích của cán bộ, công nhân xây dựng và sản xuất, sự đóng góp xây dựng của nhân dân, của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Bắc trong suốt quá trình xây dựng Nhà máy…

Nhà máy là máu xương, là công sức của chúng ta, vậy phải quản lý thật tốt, phải phát huy công suất của nó. Toàn thể cán bộ, công nhân viên Nhà máy hãy nêu cao tinh thần làm chủ XHCN, đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề mà Đảng và nhân dân giao cho. Tôi chờ đợi những thành tích to lớn hơn nữa của các đồng chí…”.

Thực hiện lời căn dặn của đồng chí Đỗ Mười, cán bộ, công nhân viên Nhà máy đã từng bước đẩy mạnh sản xuất, nâng sản lượng urê đạt gấp đôi so với thiết kế ban đầu.

Ngày 18-10-1992, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười lại về thăm Xí nghiệp. Tại cuộc gặp mặt với đại biểu cán bộ, công nhân viên, đồng chí nói như một lời tâm sự. Nhiều điều đồng chí nói đến bây giờ vẫn còn tính thời sự: “Tôi thường xuyên theo dõi mỗi bước thăng trầm của Xí nghiệp mấy chục năm qua. Về thăm Xí nghiệp Liên hợp Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc hôm nay tôi rất hài lòng, biểu dương và khen ngợi những thành tích mà cán bộ, công nhân viên Xí nghiệp đã đạt được những năm gần đây.

pttg do muoi

Phó Thủ tướng Đỗ Mười cắt băng khánh thành Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, ngày 30-10-1977. Ảnh: Tư liệu

Tựu trung lại, Xí nghiệp đã đạt được ba thành công lớn:

- Có tinh thần tự chủ cao hơn một chục năm qua, chịu nhiều khó khăn, trụ vững và bảo toàn được đội ngũ, là thành công lớn thứ nhất.

- Biết quản lý, biết quan hệ hợp tác, biết sử dụng đội ngũ, chăm lo đời sống cán bộ, công nhân, bước đầu kinh doanh có lãi trong cơ chế thị trường, là thành công lớn thứ hai.

- Có tầm nhìn xa, có kế hoạch và bước đi chắc chắn để hướng tới chỉ tiêu sản lượng cao hơn, là thành công lớn thứ ba.

Bây giờ tôi xin phát biểu về một số vấn đề mà Xí nghiệp cần quan tâm.

Thứ nhất là về chất lượng sản phẩm: Theo tôi bây giờ chúng ta phải làm ăn rất sòng phẳng và chân thật. Sản phẩm đạm urê của Xí nghiệp là vật tư thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp. Chất lượng sản phẩm của các đồng chí tốt sẽ góp phần nâng cao năng suất và sản lượng lương thực. Cái lãi lớn là ở chỗ đó.

Thứ hai là vấn đề tiêu thụ sản phẩm: Trong làm ăn kinh tế, cái khó nhất là thị trường tiêu thụ. Phải coi thị trường và khách hàng là thượng đế. Sản phẩm đạm urê có một thị trường rộng lớn trong nước. Xí nghiệp đến với nông dân và nông dân trước sau sẽ tin là phân đạm của ta tốt không kém đạm ngoại. Làm giỏi, có chữ tín thì có thị trường cả trong và ngoài nước. Không có chữ tín là mất tất cả.

Thứ ba là vấn đề vốn và đầu tư phát triển: Trong kinh doanh nếu không nói đến vốn lưu thông thì không phải là người kinh doanh. Tiền vốn thì không thiếu nhưng bỏ ra như thế nào? Bỏ ra làm cái gì, bỏ ra cho ai là người sử dụng? Liệu có chắc chắn không, có mất vốn không?

Nước ta hiện nay phải bỏ ra 200 đến 300 triệu đô la mỗi năm để mua từ 1 đến 1,5 triệu tấn phân đạm. Do đó, nhất thiết phải đưa vào kế hoạch đầu tư phát triển. Bản thân Xí nghiệp cũng phải tích tụ tiết kiệm để phát triển. Cần phải năng suất, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm chi tiêu để đầu tư mở rộng.

 (Nguồn: Xuân Lục. Báo Bắc Giang Điện tử, ngày 5/10/2018)

Bài đã đăng