Thứ tư, 27/04/2022 | 18:20

Chế tạo thiết bị thủy điện - hướng phát triển mới của ngành cơ khí

Việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, tổ chức sản xuất thiết bị cơ điện cho thủy điện nhỏ và vừa là yêu cầu thiết thực để nâng cao hiệu quả của cơ khí chế tạo và chủ động đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn điện theo hướng xã hội hóa.

Nâng cao trình độ

Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp làm đầu mối cùng Tổng công ty Xây dựng công nghiệp, Viện Nghiên cứu cơ khí và một số đơn vị khác tham gia chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công của nhiều công trình thủy điện công suất cỡ hàng trăm MW như các công trình: Plây Krông, A Vương, Buôn Kuốp, An Khê-Knak...

Mỗi công trình sử dụng hàng trăm nghìn tấn thiết bị, nhiều thiết bị đòi hỏi trình độ cao về thiết kế, công nghệ hàn như van cung, van phẳng, hệ thống chắn rác, vớt rác. Ðến nay, một số công trình đã vận hành phát điện, chứng minh thiết bị cơ khí thủy công do các đơn vị trong nước sản xuất đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, bảo đảm tính bền vững, lâu dài.

Bên cạnh việc chế tạo thiết bị thủy công thông thường, Công ty Cơ  khí Hà Nội còn nghiên cứu, chế tạo tua-bin cho thủy điện công suất 50MW. Theo Giám đốc công ty Lê Sỹ Chung, việc chế tạo này  đòi hỏi trình độ công nghệ cao, phải bảo đảm chất lượng, tua-bin hoạt động liên tục tốc độ cao, chống được áp lực, chống bào mòn, bền vững trong hàng chục năm...

Nhìn những cánh hướng bằng thép cứng, dày hàng chục cm được gia công chế tạo trong nhà máy để lắp vào tua-bin cho thấy một hướng phát triển sản phẩm cơ khí. Công ty thực hiện hợp đồng trọn gói chế tạo, lắp đặt thiết bị đồng bộ thủy điện nhỏ công suất 3 MW như các thủy điện Ia Mơ, Ia Ðrăng tại Tây Nguyên.

Công ty Cổ phần cơ khí A74, năm 2006, mở hướng tiếp thị, sản xuất thiết bị thủy điện nhỏ, để đáp ứng nhu cầu đa dạng phát triển nguồn điện tại các địa phương ở Tây Nguyên. Giám đốc Công ty Hoàng Duy Cự cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, doanh thu về chế tạo, cung cấp, lắp đặt thiết bị thủy điện đã chiếm 55% tổng doanh thu của đơn vị.

Ðến nay, công ty đã ký hợp đồng và đang chế tạo, lắp đặt thiết bị đồng bộ bốn nhà máy thủy điện theo phương thức chìa khóa trao tay cho hai chủ đầu tư là Công ty Hoàng Nguyên và Công ty NS, bảo đảm đủ việc làm đến năm 2015. Trong đó, thủy điện Ðác Ru, công suất 8 MW, trị giá 186 tỷ đồng, thủy điện Quảng Tín, công suất 5 MW, trị giá 111 tỷ đồng ở huyện Ðác R'lấp (Ðác Nông) và hai thủy điện khác nằm trên huyện Krông Bông (Ðác Lắc), tổng công suất 12 MW, trị giá 266 tỷ đồng.

Ngoài ra, đơn vị còn hợp đồng với một chủ đầu tư khác chế tạo, lắp đặt hệ thống áp lực gồm: đường ống dài 400 m, van đầu mối, van bể áp lực, tổng trọng lượng thiết bị 427 tấn của thủy điện Ðác Rung (Ðác Lắc), công suất 8 MW. Ðể làm các công trình thủy điện, công ty đã đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng một xưởng cơ khí  tại Ðác Nông gồm: cầu trục 30 tấn, các thiết bị dập, cắt, lốc, hàn, doa... bảo đảm tiến độ, an toàn và tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng.

Doanh nghiệp chuẩn bị ký hợp đồng làm trọn gói thủy điện công suất 12 MW tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), giá trị 260 tỷ đồng. Chế tạo, cung cấp thiết bị, xây lắp các công trình thủy điện nhỏ, công ty có điều kiện phát triển, mở rộng quy mô, hợp tác với các đơn vị khác.

Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, Lê Xuân Hãn, các đơn vị cơ khí tham gia chế tạo thiết bị cơ khí thủy công cho một số công trình thủy điện đã có kinh nghiệm, nâng cao trình độ, đầu tư nâng cấp, bổ sung thiết bị, đến nay, sẵn sàng đấu thầu, nhận thầu phần lớn các thiết bị cơ khí thủy công của thủy điện Sơn La. Các đơn vị bảo đảm thời gian chế tạo và cung cấp thiết bị, đáp ứng yêu cầu tiến độ xây lắp công trình.

Hợp tác chế tạo

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển thủy điện nhỏ công suất từ 30 MW trở xuống, phân bố rộng trên các sông suối vùng núi từ bắc vào nam. Việc thực hiện đa dạng hóa phát triển nguồn điện, đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, nguồn cung cấp thiết bị cơ điện để xây lắp thủy điện vẫn là nhập khẩu, các đơn vị trong nước mới chế tạo được thiết bị cơ khí thủy công và một phần tua-bin.

Theo một số chuyên gia, việc chế tạo thiết bị cơ điện cho thủy điện nhỏ, các doanh nghiệp có thể làm được, một số đơn vị đã có chủ trương sản xuất thiết bị này để khẳng định năng lực, nâng cao uy tín và đổi mới phát triển. Phát huy lợi thế, các đơn vị cần phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí, rà soát lại năng lực, thực hiện phân công chuyên môn hóa và hợp tác hóa trong chế tạo thiết bị cơ điện mà nòng cốt là Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Máy và dụng cụ công nghiệp, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, các đơn vị cơ khí của ngành điện.

Theo giám đốc một doanh nghiệp cơ khí, việc chế tạo thiết bị cơ điện cho thủy điện nhỏ không chỉ nâng tỷ lệ sản xuất trong nước và giá trị gia tăng, mà còn chủ động định hướng phát triển sản xuất thiết bị này cho thủy điện công suất lớn, tiến đến có thể xuất khẩu sang thị trường khu vực.

Ðất nước bước vào thời kỳ chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế là điều kiện thuận lợi để hợp tác, tiếp nhận công nghệ, thu hút đa dạng nguồn vốn và mở hướng phát triển thị trường. Việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, tổ chức sản xuất thiết bị cơ điện cho thủy điện nhỏ và vừa là yêu cầu thiết thực để nâng cao hiệu quả của cơ khí chế tạo  và chủ động đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn điện theo hướng xã hội hóa

Tích lũy kinh nghiệm trong chế tạo thiết bị cơ khí thủy công và các thiết bị điện phức tạp, kỹ thuật cao, kích thước lớn khác, với tư duy sáng tạo, trình độ quản lý dự án được nâng lên, cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật đủ sức thiết kế, chế tạo thiết bị cơ điện. Vấn đề đặt ra là tổ chức thực hiện, cần có một đơn vị làm đầu mối tập hợp các đơn vị khác, hợp tác sản xuất theo một dự án thống nhất, có chung lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ, niềm tin và năng lực triển khai thành hiện thực.

(Nguồn: Mạnh An và Lê Vũ. Báo Nhân dân Điện tử, ngày 24/9/2007)

Bài đã đăng