Thứ bảy, 30/04/2022 | 18:26

Con người của những phát minh

Với công nghệ tiên tiến này, MIREX đã giải được bài toán công nghệ: Không cần sử dụng than coke, loại nhiên liệu thiết yếu để luyện ra gang theo công nghệ truyền thống, đây là loại than không có nhiều tại Việt Nam nhưng vẫn cho ra được sản phẩm sắt xốp.

mirex

Nhà máy sản xuất sắt xốp của Mirex

 

Tháng 8/1968 Nguyễn Ngọc Linh sang Romania theo học Khoa Vật lý chất rắn tại Trường Đại học Tổng hợp Bucharest. Về nước năm 1973, anh nhận công tác tại Phân viện Luyện kim đen, Bộ Cơ khí và Luyện kim. Anh may mắn được giao nghiên cứu chế tạo nam châm Ferit Bari và thành công. Anh tiếp tục được giao chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước về Nam châm điện Alnico 24. Đây là loại hợp kim cực kỳ khó chế tạo ở Việt Nam những năm 1075-1978. Để đi đến thành công, anh phát minh ra công nghệ hoàn nguyên bột sắt trong môi trường Hydro để thiêu kết tạo ra hợp kim có nhiều nguyên tố rất khác biệt về cơ, lý tính.

TSKH Hàn Đức Kim, Viện trưởng Viện nghiên cứu Máy đã nhận ra người của công việc nên “xin” anh về với mình và giao ngay đề tài cấp Nhà nước: “Chế tạo chi tiết cơ khí từ bột kim loại bằng phương pháp luyện kim bột”. Đề tài thành công, chế tạo được hàng vạn cò mổ cho động cơ D12 mà trước kia phải nhập khẩu.

Đi từ thành công này đến thành công khác, tổ chức UNIDO của Liên hợp quốc chọn anh đi đào tạo ở Ucraina, thuộc Liên Xô (trước đây) về chương trình luyện kim. Đây là thời gian quý giá và Nguyễn Ngọc Linh đã tận dụng cơ hội để đi gần như hết các cơ sở luyện kim nổi tiếng của Liên Xô.

Về nước, anh lại được tín nhiệm giao Chủ nhiệm đề tài khoa học 4.31.62 hợp tác với các nước thuộc Khối SEV (cũ) về việc tạo ra những vật liệu 2 lớp (bimetal). Với đề tài này, anh thành công khi sáng tạo ra công nghệ mới ở nước ta, dùng bột kim loại cho khuếch tán vào tấm thép bằng phương pháp thiêu kết. Nhờ những thành công xuất sắc này, nên Viện Hàn lâm khoa học Ucraina đã trực tiếp mời anh sang Viện các vật liệu IPM để cùng hợp tác nghiên cứu. Cũng từ đây, trong Linh đã hình thành và đề xướng ra công nghệ thiêu kết bột kim loại để tạo ra vật liệu chống ma sát.

Tháng 12/2008, sau 3 năm thẩm tra công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp 2 bằng độc quyền phát minh sáng chế số 7386 & 7387: “Phương pháp sản xuất sắt xốp” và “Phương pháp sản xuất thép từ sắt xốp” cho Nguyễn Ngọc Linh. Từ đề tài này, bằng vốn tự có và vốn huy động từ các cổ đông đã thành lập nên Công ty cổ phần khoáng sản và luyện kim Việt Nam (MIREX) do anh làm Giám đốc công nghệ.

Ngày 17/05/2010, tại Bản Tấn, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, MIREX tổ chức lễ đón mừng sản phẩm sắt xốp theo quy mô công nghiệp ra lò theo công nghệ hoàn nguyên. Nhà máy được thiết kế, lắp đặt và vận hành bằng hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất của Việt Nam và của cả khu vực Đông Nam Á do tập thể kỹ sư của MIREX thiết kế có sự phối hợp, hợp tác của các chuyên gia công nghệ Trung Quốc. Nhà máy có công suất thiết kế 200.000 tấn năm…

mirex 2
Công nhân Mirex cùng những viên Sắt xốp - Mẻ sản phẩm đầu tiên của Nhà máy

Với công nghệ tiên tiến này, MIREX đã giải được bài toán công nghệ: Không cần sử dụng than coke, loại nhiên liệu thiết yếu để luyện ra gang theo công nghệ truyền thống,  đây là loại than không có nhiều tại Việt Nam nhưng vẫn cho ra được sản phẩm sắt xốp. Hiện nay, dây chuyền công nghệ này đang sử dụng than cám, lọai than có giá thành gần bằng 1/2 than kiple và bằng 1/4 than coke nhưng vẫn sản xuất ra được sắt xốp.

(Nguồn: Tổng hợp từ Tạp chí Công Thương Điện tử, ngày 7/11/2009 và Trang website Công ty cổ phần khoáng sản và luyện kim Việt Nam (MIREX), ngày 10/9/2013)

Bài đã đăng