Thứ hai, 02/05/2022 | 18:34

Gặp những công nhân nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh

Trong số 100 công nhân (CN) trên khắp mọi miền đất nước được nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ nhất của Tổng LĐLĐ VN, TPHCM có 5 người. Gặp họ trước ngày lên đường ra Hà Nội nhận giải, điều ấn tượng nhất mà chúng tôi nhận được là các anh đều từng đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng, có lòng yêu nghề và tinh thần ham mê học hỏi.

ng huu loc

Nguyễn Hữu Lộc, Quản đốc xưởng chiết đóng gói, Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn

Ông thầy mê làm thợ

Tốt nghiệp ĐH Bách khoa TPHCM, du học 3 năm tại Tiệp Khắc, bắt đầu sự nghiệp với 7 năm là giảng viên Kỹ thuật nghiệp vụ, vậy mà Lộc còn xin làm “thợ” tại một số xưởng cơ khí. Năm 1998, anh vào làm ở Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn.

Là kỹ thuật viên xưởng chiết đóng gói, sau một năm tiếp xúc với máy chiết, anh nhận ra sự mất đồng bộ của máy móc thiết bị dẫn đến hao mòn và hao phí cao. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cân bằng động, giảm độ rung và giảm hao phí. Vậy là sáng kiến về bộ phận ghép mí với tác dụng truyền động chuyển tiếp từ máy ghép mí sang máy chiết đã ra đời. Sáng kiến ấy đã làm lợi cho Tổng Công ty gần 1 tỷ đồng/năm. Trong 10 năm làm việc tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn, anh có gần 10 sáng kiến lớn và rất nhiều sáng kiến nhỏ.

Anh quan niệm: “Yêu nghề, gắn bó với nghề, cộng thêm sự trải nghiệm thực tế và môi trường làm việc sẽ là động lực giúp chúng ta có những ý tưởng mới. Mọi sáng kiến đều đi từ thực tế mà ra”.

Người thợ có tài “bắt bệnh” máy từ xa

sabeco

Tổ trưởng Cơ khí - Xí nghiệp Dịch vụ Kỹ thuật (Công ty Cơ khí Sabeco, Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn)

Hơn 20 năm làm việc tại công ty, anh đã từng đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” thi thợ giỏi, 11 năm liền đạt danh hiệu thi đua cấp cơ sở, 1 lần đạt danh hiệu thi đua cấp bộ và đóng góp cho công ty hàng chục các sáng kiến lớn nhỏ. Từ 2003 đến 2007, anh đã có 8 sáng kiến. Riêng năm 2003, anh “sản xuất” tới 3 sáng kiến có ích.

Hiện anh đang làm tổ trưởng tổ sửa chữa máy móc thiết bị. Anh nổi tiếng với biệt tài “bắt bệnh” máy từ xa qua điện thoại mỗi khi anh em trong xí nghiệp yêu cầu.

Hiện tại, người thợ 42 tuổi đời, 21 tuổi nghề ấy cũng đang là sinh viên năm thứ 4 ngành cơ khí chế tạo máy ĐH Bách khoa. “Mình không thể dừng lại với một vài sáng kiến trong thời gian qua, cần đi học để nâng cao trình độ” - anh chia sẻ.

“Vua sáng kiến”ngành điện

le ngoc phong

Lê Ngọc Phong, Công nhân kỹ thuật điện, Điện lực Phú Thọ (Công ty Điện lực TPHCM)

27 năm làm việc tại công ty, anh có 44 sáng kiến cải tiến kỹ thuật lớn nhỏ, được mọi người tôn là “vua sáng kiến”. Những thành công của “vua sáng kiến” đều bắt nguồn từ lòng yêu nghề: “Với tôi, công ty là mái nhà thứ hai. Vì vậy, tôi luôn trăn trở và tìm mọi cách để vun đắp, xây dựng mái nhà ấy” - Phong tâm sự.

Từ 2003-2007 anh có 11 sáng kiến, làm lợi cho công ty hàng trăm tỷ đồng. Năm 2004, Lê Ngọc Phong là cá nhân duy nhất của Công ty Điện lực TPHCM “rinh” giải thưởng Tôn Đức Thắng lần IV với sáng kiến: “Thực hiện bảng sơ đồ vận hành lưới trung thế nổi và cáp ngầm trung thế 15KV Điện lực Phú Thọ quản lý điều khiển bằng remote và trên hệ thống máy tính”.

Chỉ trong năm 2007, anh đã đóng góp cho công ty 2 sáng kiến có giá trị. Hỏi về bí quyết thành công, anh Phong chỉ cười: “Thực ra cũng chẳng có gì gọi là bí quyết, chỉ biết nhắc bản thân không ngừng học hỏi và luôn đặt cho mình một tinh thần trách nhiệm làm việc cao. Với ngành điện chúng tôi, an toàn, trách nhiệm là trên hết”.

(Nguồn: Thanh Hợp - Lê Hạnh, Báo Sài Gòn giải phóng, ngày 24/7/2008)

Bài đã đăng