Thứ ba, 03/05/2022 | 21:57

Mỏ than đầu tiên ở Việt Nam

Vào năm 1888, người Pháp bắt đầu lập mỏ khai thác than và Kế Bào là mỏ than đầu tiên được S.F.C.T (Công ty Than Bắc Kỳ) thành lập vào ngày 1/9/1888.

cua ham
Vị trí một cửa hầm thông gió của Di tích mỏ than Kế Bào

 

Cũng trong thời gian này, toàn quyền Pháp ở Đông Dương không cần khế ước của triều đình nhà Nguyễn đã tặng toàn bộ mỏ than Kế Bào cho thương nhân Giăng-đuy-puy. Đến ngày 9-12-1911, Pháp thành lập Công ty Than Kế Bào với số vốn ban đầu là 30 triệu Phơ-răng. Năm 1890, mỏ than này có 2.750 công nhân. Sản lượng than đã khai thác của Công ty Kế Bào là 30.242 tấn. Tính từ 1888 đến 1935, cùng với mỏ than Kế Bào, tư bản Pháp đã lập 80 mỏ than lớn nhỏ ở vùng than Quảng Ninh. Mỏ than Kế Bào ra đời là sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của ngành Than Việt Nam. Cũng từ đây, đội ngũ công nhân mỏ Việt Nam ra đời.

Trong quá trình khai thác than, chủ mỏ ra sức bóc lột, đàn áp công nhân, vơ vét của cải tài nguyên. Điều này đã được báo chí thời đó phản ánh. Tháng 7-1924, một tác giả có bút danh là Nguyễn Thị Hồng đã viết bài “Cu ly hầm than Kế Bào” đăng trên báo Phụ nữ Tân văn xuất bản tại Sài Gòn. Cũng vì không chịu nổi sự áp bức, bóc lột của chủ mỏ, năm 1929, một nhóm công nhân gồm 26 người đã nổi dậy, họ đẩy 2 tên lính Pháp xuống lò giếng rồi bỏ chạy. Đây là điểm khởi đầu cho các cuộc đấu tranh của công nhân mỏ sau này mà đỉnh cao là cuộc đấu tranh quy mô lớn của 3 vạn thợ mỏ ngày 12 tháng 11 năm 1936...

mo
Kế Bào là mỏ than đầu tiên được S.F.C.T (Công ty Than Bắc Kỳ) thành lập vào ngày 01/09/1888. Trong ảnh là khu mỏ than Kế Bào (Quảng Ninh) năm 1896

 

Được biết, nhà bia được đặt trong khuôn viên khoảng 100m2, mặt sàn rộng 36m2. Nhà bia có kết cấu giả gỗ, xung quanh có tường bao cao khoảng 0,7m. Ông Hồ Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Vân Đồn, cho biết, khu di tích hiện còn nền nhà đã hoang phế, đường xe goòng tải than, xe chở than v.v. nhưng tất cả đã xuống cấp nghiêm trọng, dường như đã bị lãng quên, chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế công trình đầu tiên khoanh vùng bảo vệ di tích này sẽ rất có ý nghĩa.

Anh Chu Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Yên (Vân Đồn) còn cho biết thêm, hiện ở đây còn 3 cây cầu sắt, cầu bê tông, cửa lò, bệ tời, một số lô cốt, đường thông gió. Theo anh Bắc, ước tính khu vực này khoanh vùng vào sẽ rộng khoảng 3ha, hiện là đất rừng và đất ở đã cấp cho bà con nhân dân trong xã. Bởi thế khi khoanh vùng di tích, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cần làm việc với bà con có phần đất mà di tích đang nằm trên đó…

(Nguồn: Huỳnh Đăng. Báo Quảng Ninh Điện tử, ngày 10/1/2016)

Bài đã đăng